Đừng tin “văn” của thợ lò bỏ việc!
Nguồn: SƯU TẦM – Ae đọc cho ý kiến nhé.
Phóng viên đã tới hầu hết các đơn vị sản xuất than hầm lò để tìm hiểu thực trạng và lý do khiến thợ lò bỏ việc (đơn phương chấm dứt hợp đồng).
Có thể khẳng định, tình trạng thợ lò bỏ việc hiện nay giảm nhiều so với những năm trước. Số thợ lò bỏ việc chủ yếu là công nhân mới vào nghề. Lý do khiến họ bỏ việc là do tư tưởng chưa ổn định, “đứng núi này trông núi nọ”; do nhiều người lười lao động, ngày công thấp, bị cắt thưởng, dẫn đến thu nhập thấp, sinh chán nản đành bỏ việc;
Những thợ lò lâu năm, thợ lò tích cực, rất ít người bỏ việc. Khi làm việc trong lò, đa số họ rất ngại phải lên làm những việc phụ trợ trên mặt đất như khênh vác vì chống, bốc tấm chèn, vệ sinh môi trường …Ở Công ty than Hòn Gai, sau khi thực hiện mô hình sản xuất 3 ca 4 tổ, thợ lò mỗi tháng chỉ được làm 22 công; tức là mỗi tuần đi làm 6 ngày thì được nghỉ 2 ngày như công chức Nhà nước vậy. Thời gian làm việc ít, nhưng giá trị ngày công cao hơn trước. Thế nên, mỗi tháng chỉ được làm 22 công, nhiều thợ lò sinh sốt ruột, tình nguyện làm thêm. Mỗi tuần thêm một công là cả tháng thêm thu nhập hơn 2 triệu bạc, ở nông thôn làm gì ra!
Lại có chuyện, số thợ lò bỏ việc về quê, làm đủ nghề, không thấy nghề gì hay hơn đành trở lại mỏ xin vào làm việc. Ông Bùi Đình Thanh, Giám đốc Công ty than Quang Hanh cho biết, mới đây, Công ty đã tiếp nhận hơn 80 thợ lò bỏ việc, xin trở lại Công ty (2 đợt). Hiện còn nhiều hồ sơ của thợ lò bỏ việc xin trở lại, nhưng sắp tới Công ty tiếp nhận thêm 20 người.
… Mới hay rằng, nghề hầm lò phải có sức hấp dẫn riêng thì những thợ lò lâu năm, thợ lò chân chính mới chăm chỉ, tích cực, không bỏ việc; thì thợ lò được nghỉ theo tiêu chuẩn của Nhà nước vẫn xin làm thêm; thì nhiều thợ lò đã bỏ việc, nay xin trở lại mỏ! Vậy mà, không phải ai cũng chịu hiểu như vậy, thậm chí còn tuyên truyền ngược lại, nhất là “văn” của những thợ lò bỏ việc về quê.
Chuyện rằng, cán bộ tuyển sinh Trường Cao đẳng nghề mỏ không quản ngại khó khăn, lặn lội về các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, rồi vào miền Trung và lên cả các tỉnh vùng cao xa xôi, phối hợp với địa phương, “ba cùng” với đồng bào để tuyên truyền quảng bá hình ảnh về nghề hầm lò, về chế độ ưu việt của Tập đoàn Vinacomin với thợ lò để thu hút thanh niên học nghề hầm lò. Nhưng ở địa phương nọ, nếu có thợ lò bỏ việc thì mọi nỗ lực về công tác tuyên truyền của cán bộ tuyển sinh đều thua “văn” của họ. Có gia đình, các con lớn ngộc, nhà chỉ mấy sào ruộng, không biết làm thêm nghề gì, nay thấy cán bộ tuyển sinh về tư vấn, hướng nghiệp, đi học nghề hầm lò không phải đóng học phí, lại được đài thọ tiền ăn, ở; ra trường có việc làm ngay, thu nhập cao và nhiều chế độ ưu việt khác, mừng quá, muốn cho con đi học. Nhưng gợm hẵng, để tham khảo anh A., anh B.v.v. hẵng. Anh A., anh B. là người làng, từng làm ở mỏ, đã bỏ việc. Có sao họ mới bỏ việc chứ! Vậy là anh A., anh B., trở thành nhân chứng sống trong vai trò tư vấn cho đám trai làng khát khao tìm việc. “Văn” của anh A., anh B., thường là nói không thật về bản chất đời sống và việc làm của công nhân mỏ hầm lò hiện nay. Họ nói không thật với mục đích che đậy sự đê hèn của họ, rằng, cuộc sống, việc làm của thợ mỏ gian khổ lắm, họ phải từ bỏ, mọi người chớ lao vào! Nhưng mọi người (dân địa phương) có biết đâu rằng, anh A., anh B., và rất nhiều người nữa là những kẻ ra mỏ nhưng lười nhác, ham chơi, cờ bạc, thậm chí là còn nợ về quê lẩn trốn. Những người như thế, nếu không tự đào thải thì cũng không xứng đáng trong đội ngũ của những người thợ mỏ – mọi người đừng tin “văn” của họ!